Trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam từ xưa đến nay duy nhất và xuyên suốt đó là “Trên thờ Trời, thờ Thần, dưới thờ Ông Bà Tổ Tiên” điều này phù hợp với văn hóa Việt Nam, hài hòa với văn hóa nhân loại và đúng với Thiên luật.
Trong bất luận vạn sự của cuộc sống, trong bất luận ngôn từ của lời nói… người Việt vẫn nói rằng:
” chỉ có Trời mới biết” “không ai có thể một tay che Trời” “lưới Trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”…
Các vị đế vương Việt Nam vẫn thường nói: ” phụng thiên thừa vận, Hoàng Đế chiếu viết”… cách nói về Ông Trời cũng được một số các vị Vua Việt Nam gọi là Thượng Đế.
Trong tín ngưỡng đạo mẫu thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh được coi như con gái của Ngọc Hoàng ( Vua trên Trời )…
Trải qua chiều dài của lịch sử đến ngày nay bất luận là ai, theo tôn giáo nào thì mỗi khi khó khăn đều ngửa mặt kêu Trời và người ta tin rằng “chỉ có Trời mới thấu hiểu nỗi khổ của kiếp người”.
Từ lịch sử văn hóa cho đến tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc Việt Nam, ngôn ngữ nói: Ông Trời, Trời cao, trên Trời dưới Đất, Người định không bằng Trời định… hầu hết đều nhắc đến đấng tạo hóa là Ông Trời. Điều đó nói lên rằng người Việt Nam có tín ngưỡng duy nhất và không thể thay đổi đó là tôn thờ Ông Trời và thờ cúng Tổ Tiên.
Tuy nhiên tín ngưỡng là vậy nhưng thực hành tín ngưỡng lại không biết cách Thờ Phượng Ông Trời. Đó là một cái lỗi lớn, một lỗ hổng không thể tha thứ cho lịch sử truyền khẩu và lịch sử văn truyền của Tổ Tiên dành cho con cháu.
Ngày nay câu cửa miệng của rất nhiều người Việt đúng lẽ phải nói rằng “Ơn Trời, Lạy Trời” thì lại nói: “A di đà Phật”! Từ a di đà Phật không phải là từ ngữ cổ xưa trong văn hóa Việt mà nó chỉ hình thành sau khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, điều này nói lên rằng ngôn ngữ chính gốc của người Việt đã bị ngôn ngữ ngoại lai làm thay đổi, sự tôn thờ tín ngưỡng chính thống của người Việt đã bị các tôn giáo ngoại lai xâm lược.
Chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng và sòng phẳng về tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng của Việt Nam.
Chỉ có thờ Ông Trời, thờ Thần mới là chính đạo bởi Ông Trời và các vị Thần do Trời tạo hóa mà ra, Tiên là do Trời và Thần tạo ra, nói đến Tiên thì ta liên tưởng đến trên trời, tổ của loài người theo truyền thuyết Việt Nam cũng từ Tiên mà tạo ra…
Tất cả những truyền thuyết và lịch sử dân tộc đều cho ta thấy tín ngưỡng thực chất của Việt Nam là thờ Ông Trời và thờ Thần Tiên.
Ở một khía cạnh khác tôi muốn nói rằng: Phật là do con người tu hành giác ngộ mà thành, Thánh là do con người có công được dân tôn kính mà phong Thánh, nhưng Phật, Thánh không thể đại diện cho Ông Trời và Thần Tiên.
( Bài sau tôi sẽ nói về Niết bàn và những ý nghĩa của cõi Niết bàn ).
Cảm ơn các bạn:
Tác giả Lương Ngọc Huỳnh.